Trường THPT Trương Định TX Gò Công

Nguyễn Văn Côn, Tx Gò Công, Tiền Giang, Gò Công, 8600
Trường THPT Trương Định TX Gò Công Trường THPT Trương Định TX Gò Công is one of the popular Campus Building located in Nguyễn Văn Côn, Tx Gò Công, Tiền Giang ,Gò Công listed under Education in Gò Công ,

Contact Details & Working Hours

More about Trường THPT Trương Định TX Gò Công

Lịch sử trường TH Gò Công - Trương Định
(30/09/1955 - nay)

Trường Trung học Gò công được thành lập một năm sau ngày quân dân Việt Nam, bằng chiến thắng vang lừng Điện Biên Phủ (1954), đập tan xiềng xích thống trị hằng 100 năm của thực dân Pháp. Đây là ngôi trường mà người dân Gò Công hằng ước ao mong đợi từ lâu, nhứt là những gia đình nghèo không đủ sức lo cho con đi học tiếp bậc Trung học ở Sài Gòn hoặc Mỹ Tho.
Giống như tập tục lâu đời của gia đình Việt Nam, con cái mới lập gia thất thường phải sống chung với cha mẹ đôi ba năm rồi mới ra riêng, trường Trung học Gò Công, những năm học đầu, phải nương nhờ sự đùm bọc của Ty Tiểu học Gò Công, từ cơ sở vật chất đến nhân sự (Hiệu trưởng, thầy cô giáo, giám thị…). Đại khái, ngành giáo dục chế độ cũ xếp ngạch giáo chức như sau: ngạch giáo viên, dạy bậc Tiểu học – Ngạch giáo sư Trung học Đệ nhất cấp, dạy từ lớp Đệ Thất đến lớp Đệ Tứ (lớp 6,7,8,9) – Ngạch giáo sư Trung học Đệ nhị cấp, dạy từ lớp Đệ Tam đến Đệ Nhứt (lớp 10, 11, 12).

Người đứng ra đề xuất với trên, khai sanh ra 3 lớp Đệ Thất đầu tiên là ông Phạm Văn Lắm, lúc đó là Trưởng Ty Tiểu học, còn người lo toan sắp xếp mọi việc cho sự ra đời của trường là ông Võ Văn Giáp, lúc đó là Hiệu trưởng trường Nam Tiểu học kiêm nhiệm. Những thầy cô đầu tiên của trường là thầy Võ Văn Đài, thầy Đặng Xuân Chiếu và cô Trần Thị Lài.

Đây là những giáo viên có tay nghề cao, nhiều năm dạy lớp Nhứt, lớp tiếp liên đạt hiệu quả tốt. Bộ Giáo dục lúc đó gọi các thầy cô là Giáo viên phụ trách giáo sư. Còn các thầy Nguyễn Khánh Sở, thầy Châu Văn Giao và cô Võ Thị Hồ là những giáo viên lớn tuổi, đáng bậc cha mẹ học sinh, nên được phân công làm Giám thị. Các bậc ân sư này đến nay đều đã đi xa, chỉ còn lại thầy Đặng Xuân Chiếu thượng thọ 93 tuổi.

Qua năm học kế (1956 – 1957) Trường có thêm các Giáo sư Trung học đệ nhất cấp: thầy Đỗ Hữu Long, Đào Vũ Thân, Phạm Khắc Thịnh, Huỳnh Văn Bổn, Trần Văn Kỳ. Các năm kế tiếp có các giáo sinh quê ở Gò Công, tốt nghiệp trường Sư phạm Sài Gòn với ngạch Giáo học cấp bổ túc, được bổ dụng về tăng cường Ban giảng huấn. Đó là các cô: Trần Thành Mỹ, Nguyễn Kim Hoa, Hồ Ngọc Lệ, Giảng Thị Hạnh và các thầy Nguyễn Văn Ba, Lê Văn Khá… Ngoài ra, còn có các giáo sư tư nhân dạy giờ, nghĩa là những người hưởng lương tính theo số giờ đã dạy, đa số là sinh viên đang theo học các trường đại học ở Sài Gòn. Họ chỉ được phân công dạy tối đa 12 giờ/tuần. Thông cảm hoàn cảnh vừa đi học vừa đi làm, đồng thời cũng để giúp đỡ nên nhà trường đã xếp dồn thời khóa biểu cho các thầy cô này dạy tại trường vào các ngày đầu tuần hoặc cuối tuần. Vì thế mà xảy ra cảnh: “Thầy dạy đầu tuần, cô dạy cuối tuần, hai người cùng dạy chung một trường mà không thấy mặt nhau” như cò với vạc.
Phải đến giữa thập niên 60 mới bắt đầu có những cựu học sinh khoá 1, 2, 3… của trường tốt nghiệp các trường Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa, Đại học Khoa học… lần lượt quay về trường cũ, dìu dắt đàn em quê nhà, đó là các thầy Nguyễn Văn Duy, Cao Văn Hoan, Nguyễn Văn Thạng, Phạm Văn Huyện, Nguyễn Văn Non, Đặng Văn Thu, Phan Văn Giàu… Các cô Lê Thị Anh, Nguyễn Thị Lang, Phạm Thị Sáu… họp thành lực lượng giảng dạy tại chỗ ngày càng đông, chung sức cùng các đồng nghiệp nơi khác đến, tận tâm tận lực xây dựng trường trở thành Trường Trung học Đệ nhị cấp hoàn chỉnh, sánh vai cùng đàn anh đàn chị và bạn đồng lứa ở đồng bằng sông Cửu Long như trường Nguyễn Đình Chiểu, Lê Ngọc Hân (Mỹ Tho), Tống Phước Hiệp (Vĩnh Long), Phan Thanh Giản, Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ), Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên), Thủ Khoa Nghĩa (Châu Đốc), Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá)… Thiết tưởng cũng nên nhắc lại hai trường hợp thầy giáo nơi khác bị chuyển về dạy tại trường Trung học Gò Công vì lý do chánh trị.

Trường hợp thư nhất là thầy Nguyễn Văn Bá, đang dạy học ở Vĩnh Long, vì không tham dự các buổi mết-ting “tố cộng” nên bị chánh quyền địa phương kết tội là “thân cộng”, năm 1956 thầy bị chuyển về dạy tại Trung học Gò Công. Thấy thầy đã lớn tuổi (trên 50) nên năm 1957 Ty Giáo dục Định Tường chuyển thầy về dạy ở một trường gần phà Mỹ Thuận, gần quê nhà thầy, mé bên kia sông Tiền. Trường hợp thứ hai là thầy Trương Quang Mục, là giáo sư môn Toán trường Trung học Trưng Vương – Sài Gòn.

Thầy tham gia phong trào Bảo vệ hòa bình cùng nhóm với bà Luật sư Ngô Bá Thành. Thầy bị quy tội là “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” bị tạm giam, đình chỉ công tác một thời gian và sau cùng đưa về Trung học Gò Công. Sau giải phóng, mấy đứa con của thầy rước thầy về Sài gòn nghỉ ngơi luôn vì thầy đã trên 60 tuổi.

Về cơ sở vật chất thì 3 ănm học đầu, trường ăn gởi nằm nhờ ở trường Nam và Nữ Tiểu học Gò Công, rồi Dinh Tỉnh Trưởng. Vì sao lại Dinh Tỉnh Trưởng? Việc này gợi nhớ niềm vui và nỗi buồn của dân Gò Công lúc đó. Vui vì chiến tranh chấm dứt, hòa bình lập lại; buồn vì năm 1956 tỉnh Gò Công nhập với Mỹ Tho thành Tỉnh Định Tường, tỉnh lỵ đặt tại Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công chia thành 2 quận: Gò Công và Hòa Đồng. Dinh Tỉnh Trưởng và nhà xe được dùng làm nơi học tạm cho học sinh Trung học Gò Công.

Năm học 1958 – 1959, trường mới có cơ ngơi chánh thức nhưng chỉ có 2 dãy nhà trệt, mỗi dãy 3 phòng học, nằm đối diện nhau ở phía đông của khu đất vốn là sân vận động tỉnh Gò Công. Nguyên vì trong giai đoạn đầu của Đệ Nhị thế chiến (1939 – 1945) nước Pháp thua trận và bị quân Đức Quốc Xã chiếm đóng. Thực dân Pháp rất lo sợ thừa cơ hội này nhân dân thuộc địa sẽ nổi lên đòi độc lập, nên một mặt chúng đàn áp dã man các cuộc khởi nghĩa (như Nam Kỳ khởi nghĩa 23.11.1940), mặt khác chúng phát động một phong trào thể dục thể thao rầm rộ trên khắp cõi Đông Dương, do một sĩ quan Pháp là Đại tá Ducoroy cầm đầu.

Chúng đổ tiền bạc ra xây dựng các sân vận động để tổ chức các cuộc thi đấu thể thao, nổi bật là các cuộc đua xe đạp và chạy bộ vòng quanh Đông Dương nhằm mục đích thâm độc là lôi cuốn, thu hút thanh niên chạy theo phong trào, đồng thời, qua các cuộc so tài cao thấp, gây chia rẽ dân tộc giữa các nước Việt, Miên, Lào – Riêng Việt Nam là Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Chính vào thời điểm này, sân vận động mới của Gò công được xây dựng rộng hơn, đầy đủ tiện nghi hơn (sân vận động hiện nay). Trên sân cũ, chúng dựng trại lính, tập trung ở phía Tây nên còn một khoảnh đất trống nhỏ ở phía Đông mà sau này trường Trung học Gò Công non trẻ mọc chen lên ở đấy cùng một lượt với mấy gốc lim vàng.

Điều này giải thích vì sao mà cổng chánh và cột cờ của trường nằm lệch về phía đông của khu trường. Theo đà phát triển, như tằm ăn dâu, nhà trường lấn dần nhà lính, lấn được tới đâu, xây cất phòng học tới đó, dãy dọc dãy ngang, trệt có lầu có, mỗi dãy một kiểu, không cái nào giống cái nào, thật là “đa dạng hóa”, “mỗi cái mỗi vẻ”. Trong cuộc tây tiến này có điều đáng nhớ là việc di dời ngôi Miếu Tiên Sư.

Lúc mới về trường thì đã thấy ngôi miếu nằm bên cạnh. Ai cũng nghĩ rằng trong khu học đường nếu có một nơi thờ cúng các bậc thầy tiền bối cũng phù hợp với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và “tôn sư trọng đạo” của dân tôc Việt Nam. Nhưng khổ thay! Kể từ Đồng Khởi (1960) trở đi, người ta đã biến Miếu Tiên Sư thành nhà tang lễ lính tử trận mà thân nhân ở xa chưa hay tin để đến lãnh xác về quê chôn cất hoặc nhiều quá, chưa kịp đưa đi hết, thì đây là trạm để các quan tài phủ lá cờ vàng 3 sọc đỏ.

Mỗi lần như vậy thì ngày đêm ở đây khói nhang nghi ngút, văng vẳng tiếng khóc than thảm thiết, xen lẫn tiếng gõ mõ tụng kinh ngân nga trầm buồn của các nhà sư và thương tâm hơn là cảnh trẻ con, đầu bịt khăn tang, hồn nhiên vô tư chạy nhảy quanh các quan tài vô tri vô giác. Nhận thấy hình ảnh tang tóc này liên tục diễn ra không có lợi cho tinh thần dạy và học của trường, nên nhà trường và hội Phụ huynh học sinh lập sổ vàng, mở cuộc vận động các nhà hảo tâm ủng hộ tài chánh đồng thời điều đình dời Miếu đến nơi khác để có chỗ cất phòng học. Kết quả là một dãy phòng học mọc lên (nay là phòng giáo viên), còn Miếu tiên Sư khi dời đi được thu nhỏ lại thành ngôi Miếu nhỏ nằm cạnh cổng ra vào Nhà trẻ Sơn Ca 2, đường Nguyễn Văn Côn hiện nay.

Trên đây là cảnh phía tây, còn phía đông thì sao? Là hàng hàng lớp lớp kẽm gai chằng chịt, dưới đất chôn đầy mìn, trên treo lủng lẳng hình vẽ tử thần, bảo vệ bốn bức tường cao nghệu vây kín một khám đường rộng lớn lúc nào cũng chứa hàng trăm hàng ngàn người yêu nước. Hàng ngày vào trường, tuy không nói ra, nhưng thầy trò nhà trường ai cũng biết phía sau bức tường hắc ám ấy có những người ruột thịt của mình, bà con chòm xóm, bạn bè của mình, trên đường đấu tranh cho độc lập tự do của tổ quốc, cho hạnh phúc của đồng bào, sa cơ bị giặc bắt, giam cầm, hành hạ.

Ở phía bắc, đối diện với nhà trường, mỗi khi có hành quân lớn, người ta đặt 3, 4 cỗ đại bác 105 ly trong khuôn viên Dinh tỉnh Trưởng, pháo kích hàng loạt: súng nổ, đạn bay, đinh tai nhức óc, mặt đất rung rinh, cột kèo răng rắc, ngói nứt, trần mục rơi rớt, chim chóc im hơi lặng tiếng, chó hàng xóm hoảng loạn, cụp đuôi chạy lạc vào sân trường.

Đó là những ngoại cảnh thường xuyên tác động vào tâm tư tình cảm của thầy trò nhà trường. Còn bản thân các thầy và các nam sinh trong hạn tuổi quân dịch, nào có yên tâm để dạy và học, nhứt là sau tổng công kích xuân Mậu Thân (1968) và mùa hè đỏ lửa (1972). Hết tổng động viên đến đôn quân bắt lính, quân sự hóa học đường, khiến có lúc vào trường nhìn quanh chỉ thấy cô giáo và các thầy lớn tuổi vì các thầy trẻ hoặc nhập học trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức hoặc thụ huấn quân sự 9 tuần rồi mới được biệt phái về trường dạy học tiếp. Hai chữ “biệt phái” này, sau giải phóng cũng làm khổ các thầy không ít, đó là chưa nói nạn “Đảng dân chủ úp bộ”.

Còn nam sinh càng khốn khổ hơn các thầy nữa. Năm 1973, trong cơn giẫy chết, Thiệu ra lệnh tổng động viên, đôn quân bắt lính, nhiều em đang học lớp 12, sắp thi Tú Tài, bị vướng lịnh này, phải “chạy” khai sanh giả, mua học bạ học nhảy lớp, có em ẩn thân vào cửa Phật trở thành chú tiểu, có em không cam chịu cảnh “cá chậu chim lồng” thoát ly ra vùng giải phóng, cùng cha anh chiến đấu chống kẻ thù. Những đứa không né tránh được, đành tức tưởi rời ghế nhà trường, nhập quân trường, phí tuổi thanh xuân đầy triển vọng cho quyền lợi của bọn tay sai và đế quốc Mỹ. Số ít còn đi học được thì học trối chết, vì nếu rớt thì…

Rớt Tú Tài, anh đi Trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con
Chừng nào xong việc nước non
Anh về đã có Mỹ con anh bồng…

Cay đắng thật, nhưng dẫu sao cũng có cái may là còn sống để trở về!

Khổ tận, cam lai
Hết mưa trời lại sáng.

Ngày 30.04.1975, chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc đại thắng, đất nước sạch bóng quân thù, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Trường Trung học Gò Công, sau 20 năm chịu đựng cảnh sống chung với một bên là trại lính, một bên là trại giam, cũng được giải tỏa hết những hình ảnh đen tối này. Trường tiếp quản nốt cư xá sĩ quan chế độ cũ, biến thành nhà ở tập thể giáo viên, làm chủ trọn vẹn khu đất của mình và danh dự mang tên mới, tên vị anh hùng dân tộc Trương Định.

Lịch sử sang trang, dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hòa bình, độc lập tự do và thống nhứt. Thầy trò trường THPT Trương Định tuân theo lời dạy của Hồ Chủ Tịch kính yêu là “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, đã ra sức khắc phục mọi khó khăn, dạy tốt học tốt, vững vàng tiến bước trong những năm đất nước còn mang nặng vết thương chiến tranh.
Ngày nay, được sự quan tâm chăm sóc của Đảng và Nhà nước, sự nhiệt tình hỗ trợ của Phụ huynh học sinh, của các nhà hảo tâm, của các cựu học sinh, trường THPT Trương Định bề thế hơn, khang trang hơn, ngăn nắp hơn.

Với việc mở rộng về phía đông, chẳng bao lâu nữa, cổng chánh, cột cờ và tượng đài Trương Định sẽ đương nhiên nằm ở vị trí trung tâm của nhà trường. Thành tích dạy và học của thầy trò nhà trường, qua nhiều năm thử thách, được đánh giá là ổn định ở mức cao, nếu không nói là xuất sắc. Học sinh Trung học Gò Công ngày trước và THPT Trương Định ngày nay, luôn luôn giữ vững truyền thống vượt khó, hiếu học của ông cha, đã làm rạng danh nhà trường khi theo học các trường Đại học, hoặc khi ra đời lập thân, lập nghiệp phục vụ đất nước, cũng không thua kém ai.

Trương THPT Trương Định quả đã làm đúng và đủ vai trò ngôi trường THPT đầu đàn ở khu vực phía đông tỉnh Tiền Giang và xứng đáng với tấm Huân chương Lao động hạng 3 của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao tặng và chắc chắn trong tương lai nhà trường sẽ còn nhận được những phần thưởng cao quý hơn nữa.

Nguyễn Văn Hân (cựu hiệu trưởng)

Map of Trường THPT Trương Định TX Gò Công